SỐ LIỆU KHẢO SÁT BẠN ĐANG ĐỌC CÓ ĐÁNG TIN CẬY?

SỐ LIỆU KHẢO SÁT BẠN ĐANG ĐỌC CÓ ĐÁNG TIN CẬY?

Cùng Kantar Media Vietnam điểm qua những yếu tố không thể thiếu làm nên một bài khảo sát khách quan, đáng tin cậy.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, không hề khó để tìm thấy rất nhiều dữ liệu khảo sát, thống kê trên internet. Bạn có thể đọc để tăng hiểu biết, để tranh luận có căn cứ, hoặc để thu thập thông tin cho dự án nghiên cứu của mình. Giữa vô vàn “Theo thống kê của Đại học X’’, “Theo khảo sát của Công ty Y’’, việc đọc hiểu và phân tích các báo cáo khảo sát là một trong những kỹ năng cơ bản nếu muốn tìm nguồn thông tin chính xác, đặc biệt đối với những người làm kinh doanh hoặc marketing. Việc ra quyết định dựa trên con số giúp người làm kinh doanh hoặc marketing đưa ra nhận định khách quan, kiểm soát các giả thuyết và tránh việc suy diễn dữ liệu hoặc đặt dữ liệu vào sai bối cảnh.

Cùng Kantar Media Vietnam điểm qua những yếu tố không thể thiếu làm nên một bài khảo sát khách quan, đáng tin cậy nhé.

1. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu

Báo cáo khảo sát này được thực hiện với (những) mục tiêu gì, để trả lời cho (những) câu hỏi nào. Đây cũng là nội dung cần đối chiếu và đưa ra kết luận trong báo cáo khảo sát.
Nếu không có mục tiêu, kết quả của khảo sát cũng trở nên vô ích, bạn cũng sẽ không tìm được câu trả lời cho vấn đề mà bạn đang tìm hiểu.

2. Phương pháp nghiên cứu

Mô tả chi tiết phương pháp nghiên cứu chính dùng trong phân tích số liệu đáp ứng mục tiêu chính của báo cáo khảo sát.

Ví dụ: Báo cáo được thực hiện thông qua phương pháp nghiên cứu nào, định tính, định lượng, hay kết hợp cả định tính và định lượng…) và mô tả ngắn gọn về phương pháp thực hiện để người đọc nắm rõ.

3. Số lượng mẫu

Một báo cáo khảo sát đáng tin cậy cần thiết phải đề cập đến thông tin mẫu thu thập được là bao nhiêu. Nên mô tả dữ liệu để người đọc có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dữ liệu sử dụng, ví dụ mô tả nhân khẩu học, phân loại các đối tượng thuộc mẫu, cách thức thu thập mẫu...

Đơn giản, số lượng mẫu càng lớn, sai số trong các ước lượng sẽ càng thấp, khả năng đại diện cho tổng thể càng cao.

4. Tính đại diện của số liệu

Tính đại diện của số liệu là chìa khóa giúp người làm marketing, kinh doanh có thể nhắm đúng đối tượng mục tiêu và đúc kết insights hữu ích. Tính đại diện đảm bảo dữ liệu được thu thập và sử dụng sẽ phản ánh gần chính xác nhất thị trường hoặc các nhóm đối tượng mục tiêu của thị trường đang được khảo sát.

Bạn có biết?

Ngoài ra, khi có nhu cầu tìm hiểu, đối chiếu một số nguồn thông tin, bạn nên tham khảo từ những nguồn chính thống, minh bạch. Lưu ý cho dù lấy dữ liệu từ nguồn nào thì điều quan trọng là phải để ý đến tính khách quan và tính cập nhật của nguồn dữ liệu đó.

Ví dụ một nguồn thống kê chính thống rất dễ truy cập, được cập nhật thường xuyên, chính là từ Tổng cục thống kê: (https://www.gso.gov.vn/)

Tổng cục Thống kê đưa ra các nhóm dữ liệu thống kê thường xuyên, chính xác, khách quan về dân số, lao động, kinh tế, xã hội môi trường, đơn vị hành chính...

Giúp bạn dễ dàng trả lời những câu hỏi như: tình hình kinh tế-xã hội, cơ cấu dân số, có bao nhiêu người dùng thuê bao internet, thu nhập bình quân theo cơ cấu vùng, thậm chí rất nhiều thông tin thú vị khác như mực nước tại sông Hồng, hay tại Đà Lạt có bao nhiêu giờ nắng trong năm nay, v.v…