TÍNH BỀN VỮNG THÚC ĐẨY LỰA CHỌN TIÊU DÙNG CỦA NGƯỜI CHÂU Á
Posted on 2021-07-29
Tính bền vững đang thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng châu Á. 53% người tiêu dùng cho biết đã ngừng mua các sản phẩm và dịch vụ có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Nghiên cứu Cơ sở Phát triển Bền vững Châu Á của Kantar năm nay (Asia Sustainability Foundational Study 2021), tại 9 thị trường trong khu vực (Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc), đưa ra những đúc kết mới nhất giúp các nhãn hàng khám phá tiêu chí bền vững nào là quan trọng đối với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng quan tâm nhất đến Mục tiêu Phát triển Bền vững nào?
Trong khuôn khổ của nghiên cứu này, Kantar sử dụng Bộ Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc gồm 17 lĩnh vực để khảo sát. Kết quả cho thấy, đối với người tiêu dùng Châu Á, 7 lĩnh vực quan tâm nhất bao gồm: Đói, Nghèo, Sức khoẻ và đời sống, Nước sạch và vệ sinh, Biến đổi khí hậu, Tài nguyên dưới nước và Tài nguyên trên cạn.
58% người tiêu dùng châu Á bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vấn đề về môi trường
Nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn người châu Á cảm thấy bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vấn đề môi trường và quan ngại sâu sắc về nạn ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và các sự kiện thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, mối quan tâm về sức khoẻ gia tăng, chủ yếu liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, vắc-xin và các biện pháp bảo vệ khỏi bệnh tật, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.
Những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân sẽ được ưu tiên hơn
Đối mặt với nhiều vấn đề về tính bền vững, người tiêu dùng đặc biệt ưu tiên sự quan tâm cho những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ. Vì vậy các nhãn hàng cần xác định thứ tự ưu tiên của những vấn đề này tại thị trường đang nhắm đến, cũng như ‘’địa phương hóa’’ cách tiếp cận đến người tiêu dùng. Điều này giúp các nhãn hàng đối thoại với người tiêu dùng một cách gần gũi hơn, mang lại giá trị và lợi ích rõ ràng hơn cho họ.
Rác thải nhựa dường như ít được chú trọng ở châu Á… mặc dù chúng có liên quan đến các vấn đề môi trường nghiêm trọng hơn.
Ô nhiễm đại dương do vi nhựa và ô nhiễm môi trường do bao bì nhựa đang là những chủ đề ‘nóng’. Tuy vậy ở châu Á, chúng chỉ đứng ở vị trí thứ 11/17 lĩnh vực, trái ngược với Anh, nơi chúng ở vị trí đầu bảng - một sự khác biệt đáng kể.
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn các dữ liệu cho thấy rằng người châu Á cũng có quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa, nhưng chỉ khi nó có liên quan mật thiết đến ô nhiễm nguồn nước.
Điều này nói lên rằng, dù việc cải tiến bao bì là rất quan trọng nhưng nếu nhãn hàng chỉ tiếp cận người tiêu dùng thông qua vấn đề rác thải nhựa, thì sẽ khó gây được tiếng vang. Trừ khi nhãn hàng cho thấy điều này mang lại những kết quả hữu hình và liên quan mật thiết đến người tiêu dùng.
Theo Khảo sát Thói quen truyền thông và tiêu dùng sản phẩm (TGI) của Kantar Media Vietnam tại 4 thành phố lớn, năm 2020, có đến 65% dân số Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh lối sống để làm lợi cho môi trường. Nổi bật, 65% người trả lời cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm thân thiện với môi trường, và chỉ mua sản phẩm/dịch vụ từ những công ty có đạo đức kinh doanh.
Đọc thêm tại: https://www.kantar.com/inspiration/sustainability/what-does-sustainability-mean-to-asian-consumers-and-what-should-brands-do